Lãi suất huy động giảm đồng loạt, BĐS vẫn là kênh đầu tư “vua”
18/03/2020
Kể từ sáng ngày 17/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức áp dụng quy định điều chỉnh giảm lãi suất cho vay và huy động trước tác động của đại dịch Covid 19 đối với nền kinh tế toàn cầu.
BĐS vẫn là kênh đầu tư “vua”
Bên cạnh giảm lãi xuất vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, NHNN cũng điều chỉnh lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm. Như vậy, sau chứng khoán và vàng liên tục biến động trồi sụt thời gian qua, việc các ngân hàng đồng loạt công bố giảm lãi suất cho vay và huy động được xem là giải pháp nhằm ứng phó với diễn biến khó lường do tác động bởi đại dịch.
BĐS vốn là một trong những ngành có “tính nhạy cảm” cao đối với những biến động lãi suất, do đó, chia sẻ trước thông tin điều chỉnh lãi suất của NHNN, bà Vũ Thị Mai Hương, Giám đốc Phát triển kinh doanh Tập đoàn BĐS TLM cho biết: “Khi đầu tư BĐS, NĐT chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm sẽ quan tâm nhiều yếu tố trong đó đặc biệt lưu ý đến biến động thị trường, phương án đầu tư, dòng tiền và tỷ suất lợi nhuận mong muốn đạt được. Trong tình huống hiện tại, khó khăn bủa vây khiến hoạt động của thị trường BĐS giảm mạnh ở tất cả các loại hình từ BĐS cho thuê, BĐS du lịch, BĐS nhà ở đến BĐS công nghiệp… Tuy nhiên, càng trong lúc khó khăn, NĐT càng có nhiều cơ hội mua được BĐS tốt, giá mềm và chờ thời cơ. Đặc biệt, khi lãi suất huy động điều chỉnh giảm, tỷ suất lợi nhuận khi đầu tư vào BĐS sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều nhất là các NĐT đang có dòng tiền nhàn rỗi”.
Đồng quan điểm, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, không vì thị trường khó khăn mà NĐT rời bỏ thị trường. Dòng tiền của NĐT có thể phân bổ nhiều nơi, nhiều kênh khác nhau. Nhưng, với những NĐT có kinh nghiệm ở lĩnh vực BĐS lâu năm chắc chắn sẽ nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Mặc dù cách phân bổ dòng tiền của họ sẽ theo xu hướng chắc chắn, chậm rãi và an toàn hơn nhưng bỏ tiền vào BĐS cũng chính là cách họ gia tăng giá trị tài sản một cách nhanh nhất.
Ngoài ra, thực tế cũng chứng minh, dù thị trường có biến động đến đâu thì nhu cầu chỗ ở luôn có và không thể mất đi. So với chứng khoán, vàng hay gửi tiết kiệm, sở hữu BĐS vẫn là nhu cầu thiết thực và gắn liền với tâm lý số đông. Đó cũng là lý do giúp BĐS tiếp tục duy trì ngôi “vương”.
NĐT có thể đạt lợi nhuận kép nếu chọn “đúng lúc và đúng chỗ”
Ghi nhận từ cuối tháng 2 đến trung tuần tháng 3 cho thấy, khi Covid 19 được công bố là đại dịch, lan rộng toàn cầu, hầu hết các ngành đều bị ảnh hưởng, trong đó có BĐS đặc biệt là BĐS thương mại, BĐS du lịch và một phần BĐS công nghiệp. BĐS bán lẻ đang bước vào chu kỳ giảm giá mạnh trước tình trạng “ế ẩm” vắng khách, BĐS du lịch gần như “đứng hình” và BĐS công nghiệp, nhà xưởng chật vật tìm khách thuê kéo theo xu hướng giảm giá do tác động dây chuyền. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn “âm thầm” chảy vào những phân khúc BĐS được đánh giá an toàn như nhà phố, đất nền tại các khu vực vùng ven.
Công thức bất thành văn nhưng được nhiều NĐT “rỉ tai nhau” chính là đúng lúc và đúng chỗ. Các NĐT thông minh sẽ không vì khó khăn ngắn hạn của hiện tại mà bỏ qua lợi nhuận lâu dài. Do đó, họ sẽ vào thị trường để chọn mua được sản phẩm giá mềm, pháp lý minh bạch, tiềm năng tăng giá có thực trong trung và dài hạn. Như vậy, khi thị trường bắt đầu tốt lên từ sau quý 3/2020 mức chênh lợi nhuận sẽ cao hơn rất nhiều so với các NĐT tham gia “sân chơi” sau đó. Mặt khác, nếu nhận diện đúng khu vực được xem là “vùng trũng” bất động sản, NĐT sẽ đạt được lợi nhuận kép nhờ tiềm năng tăng giá phi mã của những khu vực này.
Những khu vực đang được đánh giá là “vũng trũng” BĐS phía Nam gồm các tỉnh như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó, có vị trí tiệm cận TP HCM với hạ tầng giao thông thay da đổi thịt từng ngày, BĐS Nhơn Trạch – Đồng Nai đang được nhiều NĐT săn lùng.
Được quy hoạch trở thành đô thị công nghiệp – cảng, thành phố mới Nhơn Trạch đang sẵn sàng trở thành đô thị vệ tinh đắt giá của TP HCM. Nhơn Trạch hiện có tỉ lệ công nghiệp chiếm hơn 58%, các khu công nghiệp thu hút gần 500 dự án đầu tư, trong đó có 361 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn 9,3 tỉ USD. Ngoài các cảng nội địa, Nhơn Trạch có vị trí gần cảng Cái Mép – cảng trọng điểm phía Nam, thuận lợi đẩy mạnh phát triển trung tâm logistics…
Khi các công trình giao thông quan trọng như Vành Đai 3, Sân bay Long Thành, cầu Cát Lái đồng loạt khởi công thời gian tới, đó cũng là lúc NĐT “rung đùi” chờ chốt lời sau giao dịch.
Tin tức liên quan